ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN TRỊ ĐẠI HỌC TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Thứ năm - 16/03/2023 21:44 Lượt xem: 109 Phản hồi: 0

Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu nguyên văn bài viết của TS. Vũ Trà Giang, Trường Trường Đại học Công đoàn đăng trên Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế "QUẢN TRỊ NHÀ TRƯỜNG TRONG XU THẾ TOÀN CẦU HÓA VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ".

ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN TRỊ ĐẠI HỌC TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Tóm tắt:

Quản trị đại học là mục tiêu của hầu hết các tổ chức giáo dục đại học trên thế giới và trở thành một nhu cầu tự thân, một xu thế tất yếu, có tính khách quan trong đổi mới quản trị đại học ở Việt Nam hiện nay. Những năm qua, công tác quản trị đại học đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa thành quy định, hướng dẫn khá đầy đủ, nhận thức về tự chủ đại học, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học ngày càng rõ ràng, có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trước những thay đổi nhanh chóng của xã hội, sự phát triển như vũ bão của công nghệ (đặc biệt là công nghệ số), toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, công tác quản trị đại học đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và cơ hội phát triển to lớn. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới quản trị đại học nhằm thực hiện công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước. Với xu hướng tự chủ đại học trên thế giới ngày càng rộng mở, vấn đề quan trọng hiện nay là các cơ sở giáo dục đại học cần có những giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của giáo dục đại học Việt Nam trên trường quốc tế.

Từ khóa: Đổi mới, quản trị đại học, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, Việt Nam ngày nay

Abtract:

University administration is the goal of most higher education institutions in the world and has become a necessity in itself, an inevitable and objective trend in innovation  of university administration in Vietnam today. In recent years, university administration has been paid attention by the Party and State to lead, direct, and institutionalize into regulations and instructions quite fully, awareness of university autonomy, responsibility for solving problems in universities, the process of higher education institutions is increasingly clear, with many positive changes. Howerer, in the face of rapid social changes, the rapid development of technology (especially digital technology), globalization, international integration affects all aspects of social life, the university administration is facing many difficulties, challenges and great development opportunities. That poses an urgent requirement for university governance reform in order to carry out the work of renovating human resources, comprehensive education and training, and meet the requirements of high - quality human resources of the country. With the trend of university autonomy in the world becoming more and more open, the current important issue is that higher education institutions need practical solutions to improve efficiency, competitiveness, reduce administrative procedures, increase the initiative, flexibility and creativity in organization and implementing the school’s activities, contributing to enhancing the prestige and position of Vietnam in the international arena.

Keywords: Innovation, university administration, globalization, international integration, Vietnam to day

 

1. Thực trạng công tác quản trị đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay

Phát triển giáo dục - đào tạo cần có sự đổi mới, đặc biệt ở bậc đại học. Ngày nay, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều coi đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho sự phát triển và xác định đổi mới công tác quản trị đại học là một trong những đích đến nhằm đáp ứng yêu cầu của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Giáo dục đại học đã và đang phát huy được những ưu điểm vượt trội, thúc đẩy quá trình đào tạo hiệu quả, đảm bảo chất lượng đầu ra, thực hiện mục tiêu, sứ mệnh và tầm nhìn của các cơ sở giáo dục đại học. Trước bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, công tác quản trị đại học đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khi nền giáo dục Việt Nam chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Công tác quản trị đại học đóng vai trò như bộ óc chiến lược của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Sau hơn 30 năm thực hiện chủ trương đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ. Trước hết, Việt Nam từng bước thể chế hóa các quan điểm, nội dung của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo thành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể, Luật số 34/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã bổ sung một số chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, trong đó, yêu cầu phải “gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nhằm khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm đang “nhức nhối” lâu nay”[1]. Luật Giáo dục (năm 2019) đã bổ sung một số điều khoản quy định cụ thể về “liên thông” và mục tiêu “hướng nghiệp”, “phân luồng” của hệ thống giáo dục quốc dân, tạo hành lang pháp lí cho các hoạt động đổi mới công tác quản trị đại học, bảo đảm cơ hội học tập và từng bước đi vào cuộc sống.

Việc điều hành hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã từng bước tăng cường quyền tự chủ ở các trường đại học. Chất lượng giáo dục đại học ngày càng được nâng lên và tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế. Báo cáo Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: “Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020”[2]. Công tác kiểm định và bảo đảm chất lượng ngày dần đi vào nền nếp. Cục quản lí chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá, “tính đến tháng 2/2022, có 164 cơ sở giáo dục đại học và 10 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng (theo tiêu chuẩn trong nước), 7 cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế”[3]. Trong bảng xếp hạng THE WUR 2023, “Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học được xếp trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Duy Tân, Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Huế”[4]; 5 trường đại học lọt vào top 100 trường đại học tốt nhất Châu Á năm 2022. Điều đó đã khẳng định, chính quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng về giáo dục đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, tạo cơ hội thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp cận với các xu thế mới, tri thức mới, những mô hình giáo dục và quản lí giáo dục hiện đại và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát triển giáo dục.

Tại Hội nghị tự chủ đại học năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi bàn đến vấn đề thực hiện tự chủ đại học: “Cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động, có 142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật giáo dục đại học sửa đổi”[5]. Theo định hướng đổi mới đó, giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được thực hiện, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã và đang chuyển đổi dần cơ chế, từng bước thực hiện các quyền chủ động của mình, nhờ đó, các cơ sở giáo dục đại học năng lực cạnh tranh tốt hơn, năng động hơn, cả hệ thống đại học đã có những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, về lí luận và thực tiễn.

Tuy nhiên, trong thực hiện tự chủ đại học hiện nay còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học cùng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học còn chưa đồng bộ, khiến thực tế triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng; đặc biệt là vấn đề thành lập Hội đồng trường, quan hệ giữa Hội đồng trường với Đảng ủy và Ban giám hiệu. Điều này dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết tại một số đơn vị.

Tự chủ đại học mặc dù đã trở thành chủ trương lớn, mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, việc phân định giữa quản lí nhà nước với hoạt động quản trị trong các trường đại học còn chưa rõ ràng. Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014 - 2017 đã khẳng định: “Trong quá trình thực hiện, các trường đều nhận thấy rằng, dù đã có một số văn bản cởi trói cho các trường được “thí điểm tự chủ”, nhưng do tất cả các văn bản đó đều không thể vượt qua khỏi Luật, đặc biệt là Luật Giáo dục đại học, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học Công nghệ… nên thực tế cơ sở pháp lí về tự chủ đại học chưa vững chắc và thiếu đồng bộ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những quy định chưa phù hợp đối với quá trình vận hành của các trường được giao tự chủ, một số văn bản quy định còn thiếu tính cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn khi triển khai”[6].

Hiện nay, công tác tổ chức quản trị tại các cơ sở giáo dục đại học thí điểm vẫn còn nhiều tranh cãi. Cơ quan chủ quản, hội đồng trường hay công tác tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường tự chủ còn chưa thống nhất về ý tưởng và quá trình thực hiện, làm ảnh hưởng tới hiệu quả tự chủ. Hội đồng trường được xác định rất quan trọng trong quá trình tự chủ, nhưng đến nay vẫn còn nhiều trường chưa thành lập được. Nguyên nhân là do sự thiếu đầy đủ và chưa rõ ràng trong cơ chế chính sách; mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu chưa rõ ràng; các cơ quan chủ quản chưa quyết liệt trong việc thành lập Hội đồng trường; cơ cấu, tỷ lệ thành phần chưa hợp lý; hoạt động của Hội đồng trường còn mang tính hình thức.

Hầu như các cơ sở giáo dục đại học nào cũng “than phiền” về những rào cản - do sự chồng chéo về pháp lý, sự rườm rà của thủ tục hành chính, sự dai dẳng của cơ chế xin cho trong việc thực hiện quyền tự chủ. Tại khoản 3, 4, 5 Điều 32, Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung 2018), các quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học bao gồm: (1) Quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn; (2) Quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự; (3) Quyền tự chủ trong tài chính và tài sản … nhưng mức độ tự chủ thì chưa được quy định cụ thể.

Công tác quản trị đại học vài năm trở lại đây đang đối mặt với nhiều thách thức từ góc nhìn công nghệ như: yêu cầu cao về học vấn số, về năng lực số đối với đội ngũ người dạy và người học - là những “công dân số, người bản địa số” (digital citizen/native); sự thay đổi mạnh mẽ về bản chất, phương thức (mô hình) và sản phẩm đầu ra của chương trình đào tạo, “chuỗi giá trị người học”; sự mở rộng và linh hoạt hơn trong không gian và thời gian, môi trường học tập dựa trên nền tảng số.

Sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy trong quản trị đại học đã có tác động tích cực vào việc hoàn thiện hành lang pháp lí của Giáo dục đại học, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng cùng những khó khăn phức tạp trong đổi mới quản trị và phát huy quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, qua triển khai cho thấy một số bất cập của Luật Giáo dục đại học trong việc xây dựng hành lang pháp lí có hiệu lực và hiệu quả để giáo dục đại học thực sự đổi mới, đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao của đất nước. Hiện nay, vẫn còn một số trường chưa thực sự chủ động trong đổi mới công tác quản trị đại học, chưa thực sự quan tâm và còn hình thức trong việc minh bạch hóa các thông tin về tài chính, quy trình, kết quả đào tạo, việc làm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Những bất cập này có nhiều nguyên nhân. Trước hết, về chủ quan là do tư duy quản lí chưa thực sự đổi mới, cơ chế quản lí vẫn thiên về mệnh lệnh hành chính, chất lượng thể chế thấp, hiệu lực thể chế kém, năng lực tổ chức thưc hiện đổi mới yếu. Về khách quan là do môi trường pháp lí đã có những thay đổi quan trọng, hoạt động tự chủ đại học của các trường đại học công lập hiện đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Viên chức và các luật về thuế, tài chính; các nghị định của Chính phủ, Điều lệ trường đại học và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, “tự chủ đại học không phải chờ đến Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ mới nhắc đến, mà trước đó hàng chục năm đã được nói rồi, vì vậy thời điểm này không phải bàn có cần tự chủ hay không mà là phải làm, phải ban hành các văn bản chính thức để tiếp tục làm tiếp, nếu chưa kịp ban hành văn bản mới để tháo gỡ vướng mắc thì tiếp tục cho các trường làm như hiện nay”[7]. Điều này cho thấy, xu thế chuyển động của mô hình quản lí Nhà nước về giáo dục đại học của Việt Nam từ mô hình chỉ huy và kiểm soát đang dần chuyển sang mô hình trao quyền và giám sát.

Cùng với sự thay đổi của môi trường pháp lý, là sự thay đổi của môi trường giáo dục với một hệ thống giáo dục đại học ngày càng mở rộng về quy mô và phức tạp về cấu trúc, với sự tham gia của nhiều chủ thể trong cung ứng và quản lí giáo dục đại học, với những đòi hỏi ngày càng cao và đa dạng từ phía người học, các bậc phụ huynh, các cơ quan tuyển dụng, các doanh nghiệp. Với mục đích khắc phục những bất cập của Luật Giáo dục đại học năm 2012, tập trung vào yêu cầu đổi mới quản trị đại học. Văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới”[8].

Có thể khẳng định, công tác quản trị đại học đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhận thức về tự chủ đại học ngày càng rõ ràng, có nhiều chuyển biến tích cực. Từ chỗ toàn thể hệ thống giáo dục đại học Việt Nam như một trường đại học lớn, chịu sự quản lí nhà nước chặt chẽ về mọi mặt thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học đã dần được trao quyền tự chủ. Hệ thống văn bản của Đảng và Nhà nước đã tạo hành lang pháp lí cho các trường đại học thực hiện quyền tự chủ, bảo đảm hoạt động theo cơ chế thị trường dưới sự quản lí của nhà nước. Bên cạnh những kết quả khích lệ, trong quá trình thực hiện tự chủ còn nảy sinh nhiều vấn đề, việc giao quyền tự chủ hầu như chưa trở thành nhu cầu nội tại của cơ sở giáo dục đại học. Việc quản trị đại học cần phải có những cải cách thực chất hơn nữa để các cơ sở giáo dục đại học tự kiểm soát hành vi, tự chịu trách nhiệm và mở đường cho sự sáng tạo trong mọi hoạt động của nhà trường.

2. Yêu cầu đổi mới quản trị đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay

Đổi mới quản trị đại học là một yêu cầu quan trọng trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Yêu cầu của việc đổi mới về quản trị này được quy định trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó nhấn mạnh: “Đổi mới công tác quản lí giáo dục, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục và đào tạo… Phân định công tác quản lí nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục và đào tạo... Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục và đào tạo[9]. Yêu cầu này đã được thể chế hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14 của Quốc hội khóa XIV). Điểm khác biệt lớn nhất của Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 chính là mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học. Tuy nhiên, để được thực hiện quyền tự chủ, các trường đại học phải đáp ứng một số điều kiện như: Đã thành lập hội đồng trường, hội đồng đại học; Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong trường; Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, tỷ lệ sinh viên có việc làm… Qua đó, hình thành hành lang pháp lí cho việc đổi mới quản lí đại học nhằm phát huy quyền tự chủ, đi đôi với trách nhiệm giải trình để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội của cơ sở giáo dục đại học.

Nội dung bao trùm của hoạt động quản trị đại học là huy động trí tuệ tập thể để xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường trên cơ sở tự chủ và có trách nhiệm giải trình. Chú trọng tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ và chống bạo lực học đường theo các tiêu chí của mô hình trường học hạnh phúc. Do vậy, một trong những yêu cầu của đổi mới quản trị đại học, trước hết là phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, bởi, họ đóng vai trò quan trọng tác động đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Cụ thể, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí phải được chuẩn hóa, đảm bảo cả về chất và lượng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống. “Điều tối quan trọng là tất cả các trường, đầu tiên là các trường tự chủ phải có một bộ quy tắc ứng xử giống bộ luật của trường, được thông qua tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường và phải được Hội đồng trường thông qua thành cơ sở để thực hiện giám sát nội bộ và giải trình trách nhiệm với xã hội”[10].

Hai là, quản trị đại học luôn gắn với các yêu cầu hoạt động hiệu quả của đại học, nhưng vẫn phải đảm bảo không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao để phục vụ cộng đồng. Một hệ thống quản trị đại học tốt sẽ khơi dậy và khuyến khích cái tốt phát triển, tạo ra nguồn vốn trí tuệ - chính là bí quyết hay lợi thế cạnh tranh của một đại học trong thế giới ngày nay. Trái lại, nó sẽ làm băng hoại các giá trị của đại học và hủy hoại môi trường đại học

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, về mặt quản lí nhà nước, các trường đại học phải chuyển hướng sang tự chủ trong tổ chức và hoạt động, chủ động tìm kiếm các nguồn lực đầu tư bên ngoài, mở rộng các hoạt động đầu tư liên danh, liên kết trong và ngoài nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học. Các cơ quan quản lí cần gỡ bỏ các rào cản để hướng sự đầu tư của các thành phần kinh tế vào giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước, nhưng phải đảm bảo tính khả thi, hiệu quả đầu tư tài chính và các nguồn lực trong trường đại học.

Ba là, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tự chủ đại học gắn liền với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm xã hội; bảo đảm các điều kiện, năng lực cần thiết mới giao quyền tự chủ. Nội dung tự chủ đại học không thiên về tài chính mà cần đồng bộ, toàn diện các mặt từ tổ chức, nhân sự, học thuật đến quản lí tài chính, cơ sở vật chất và đầu tư.

Tự chủ đại học là hoạt động mang tính pháp lí trên các mặt học thuật, tài chính, tổ chức và nhân sự của các cơ sở giáo dục đại học; là phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo và được khẳng định là một công cụ quan trọng trong việc tạo nguồn lực nhằm giúp các trường thực hiện tốt sứ mệnh của mình đối với xã hội. Thực hiện cơ chế quản trị tự chủ cũng là một yêu cầu hàng đầu trong quá trình đổi mới giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bốn là, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh làm cơ sở pháp lí để các cơ sở giáo dục đại học triển khai thực hiện tự chủ theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Cụ thể, Luật số 34/2018/QH14 quy định: “các trường được tự quyết định về chính sách mở ngành, tuyển sinh, đào tạo; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật”[11]. Đồng thời, tạo điều kiện bảo đảm nguồn thu chủ yếu từ học phí, nhưng phải cam kết các điều kiện, năng lực tuyển sinh và chất lượng đào tạo, công khai, minh bạch, chịu sự đánh giá, giám sát của xã hội. Cơ quan quản lí nhà nước đưa ra “thước đo” làm cơ sở giao quyền tự chủ. Cần dân chủ hóa mạnh mẽ hơn nữa công tác quản trị nhà trường; tạo môi trường dân chủ thực sự. Làm sao cho mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường đều có tiếng nói và mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình. Muốn vậy, người quản lý, đặc biệt người đứng đầu phải biết lắng nghe, thậm chí phải chấp nhận sự khác biệt, biết cách thức tổ chức điều hành các hoạt động của nhà trường.

Năm là, xây dựng cơ chế, chính sách đổi mới cơ chế hoạt động trong chiến lược phát triển cơ sở giáo dục đại học nhằm kiến tạo hệ sinh thái đổi mới quản trị và tự chủ đại học gắn với văn hóa chất lượng; chú trọng kiểm định chất lượng giáo dục và xếp hạng đại học phải thực chất hơn nữa, chú trọng cải tiến, khắc phục hạn chế đã nhận diện sau kiểm định vì mục tiêu phát triển bền vững.

Các trường đại học phải có một cơ chế để lập các quỹ học bổng hay các quy định cần thiết để đảm bảo cơ hội tiếp cận đại học cho đối tượng chính sách. Đồng thời, nhất định phải đẩy mạnh kiểm định và xếp hạng, có như thế mới nâng cao được trách nhiệm giải trình trách nhiệm với xã hội.

Mặt khác, quản trị đại học cần tuân thủ các nguyên tắc mang tính bắt buộc được các cơ quan quản lí nhà nước ban hành nhằm đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong quản lí và hoạt động. Cơ chế quản trị bao gồm cơ chế làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số trong nội bộ hội đồng trường; cơ chế phối hợp giữa Hội đồng trường, Đảng ủy, Ban giám hiệu; cơ chế giám sát của các tổ chức chính trị, đoàn thể trong nhà trường; cơ chế thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; cơ chế giải trình trên nguyên tắc thực hiện công khai, minh bạch thông tin, chế độ báo cáo. Vì vậy, một trong những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến mức độ của quản trị đại học ở Việt Nam hiện nay là cần tìm ra một mô hình tổ chức bộ máy phù hợp.

Trước yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đã thúc đẩy các trường đại học phải đổi mới. Sự cần thiết đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo là khẳng định thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của các trường trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng là việc làm cần thiết để hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy trình công cụ quản lí nhằm đổi mới quản trị nhà trường theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả, xây dựng văn hóa chất lượng cũng như phát huy tinh thần trách nhiệm của các thành viên trong nhà trường tham gia quản lí chất lượng, góp phần đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Có thể thấy, trong giáo dục đại học hiện nay có 2 vấn đề lớn: (1) Công tác tự chủ, tự chịu trách nhiệm, (2) Học tập và giảng dạy, hai vấn đề này được xem là tiền đề quan trọng trong quản lí giáo dục. Chính vì vậy, yêu cầu cao trong công tác quản trị trường học là làm sao cho thật hài hòa, để bộ máy các trường học đại học có thể vận hành, duy trì một cách tốt đẹp, hướng đến một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại.

Quản trị đại học của Việt Nam phát triển theo mô hình hiện đại, chuyên nghiệp, đặc trưng bởi sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, trao quyền tự chủ cho các trường đại học và sự tham gia công bằng, dân chủ, sáng tạo của các bên liên quan. Một mặt, phải chấp hành pháp luật của nhà nước, mặt khác, phải tính đến các tín hiệu thị trường cung, cầu và huy động sự tham gia của giảng viên, nhà khoa học, người học, người lao động và các thành phần khác nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng cơ hội giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh hội nhập thế giới.

3.  Một số giải pháp đổi mới công tác quản trị đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay

Quản trị đại học là mục tiêu của hầu hết các cá nhân, tổ chức giáo dục đại học trên thế giới. Trong đó, nhận thức về đổi mới công tác quản trị nhà trường là yêu cầu quyết định giúp các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm hoạt động giáo dục - đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực toàn cầu. Nhằm đổi mới công tác quản trị đại học đạt hiệu quả, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cần triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về đổi mới quản trị đại học nhằm thích ứng với yêu cầu quản lí của Nhà nước, gắn với tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về đào tạo.

Các cơ sở giáo dục đại học cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, các quy định khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tích cực đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam; khuyến khích và tạo điều kiện để các trường đại học quốc tế hàng đầu mở cơ sở đào tạo ở Việt Nam, đặc biệt là các cơ sở hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Hiện nay, một số trường đại học nước ngoài đã mở chi nhánh hoặc liên kết với Việt Nam, như Đại học RMIT (Úc), Đại học Việt - Nhật, Đại học Công nghệ Swinburne (Úc) liên kết với tập đoàn FPT Việt Nam, Đại học Staffordshire (Anh) liên kết với British University Việt Nam (BUV)...

Bên cạnh đó, tạo cơ hội để sinh viên tham gia các chương trình trao đổi hoặc du học tại chỗ, mở các cuộc hội thảo, tọa đàm quốc tế về chuyên môn và phương pháp giảng dạy đại học để nâng cao tính học thuật, kỹ năng dạy học tiên tiến cho đội ngũ giảng viên. Có cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích các nhà khoa học tích cực công bố kết quả nghiên cứu trên các ấn phẩm khoa học quốc tế có uy tín, coi đó là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công tác nghiên cứu khoa học của các trường đại học và các giảng viên.

Thứ hai, đổi mới công tác lãnh đạo và quản lí nhà trường ở các cơ sở giáo dục đại học hiện nay

Đổi mới công tác lãnh đạo và quản lí nghĩa là phải xây dựng một cơ chế quản trị hướng tới các kết quả đầu ra, đáp ứng sứ mệnh và mục tiêu đã được tuyên bố. Các nội dung đổi mới về cơ bản hiện đã được quy định khá chi tiết trong Luật giáo dục đại học và các văn bản hướng dẫn. Vấn đề là ở chỗ từng cơ sở giáo dục đại học cần cụ thể hóa thành Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, trong đó rất cần làm rõ các cơ chế lãnh đạo, quản trị và quản lí để nhà trường dời bỏ mô hình truyền thống, quan liêu và bảo thủ để chuyển sang trạng thái năng động như doanh nghiệp.

Nhìn từ góc độ này, một số cơ chế sau đây cần được giải quyết thấu đáo. Trước hết là xác lập cơ chế hội đồng trường có năng lực và thực lực. Trên cơ sở đó, định hình cơ chế phát triển thông qua một chiến lược với các chỉ tiêu thực hiện nhằm cụ thể hóa sứ mệnh và các mục tiêu đã định. Việc thực hiện chiến lược này đòi hỏi phát triển đồng bộ các cơ chế sau: cơ chế huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực; cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, động viên, khen thưởng và xử phạt; cơ chế phối hợp với các bên có liên quan; cơ chế bảo đảm chất lượng; cơ chế giám sát và đánh giá.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện cơ chế tự chủ, cần mạnh dạn trong việc quyết định các hoạt động đã được cấp có thẩm quyền giao khi thực hiện tự chủ. Đồng thời, chủ động xây dựng cơ chế kiểm soát các hoạt động độc lập, tự chủ, thực hiện trách nhiệm của các đơn vị trong nhà trường, đặt ra những tiêu chuẩn, tiêu chí chặt chẽ để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, thực hiện sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đối tượng trên các lĩnh vực như tài chính, cơ sở vật chất, thực hiện nguyên tắc và chế độ trong quản lý, trong công việc, trong đào tạo… Xây dựng đội ngũ viên chức quản lí và giảng viên có phẩm chất đạo đức, đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn cao, phong cách giảng dạy tiên tiến và hiện đại; Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, có cơ chế khuyến khích giảng viên nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy. Chủ động đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học theo hướng mở, nội dung giảng dạy gắn với yêu cầu thực tiễn của ngành, chuyên ngành đào tạo.

Thứ ba, tăng cường hơn nữa quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học

Để thực sự tạo ra “luồng gió mới” trong công tác quản trị đại học hiện nay, một trong những giải pháp quan trọng là phải trao quyền tự chủ rộng rãi và triệt để cho các trường và tạo ra cơ chế để giáo viên, giảng viên được chủ động trong công việc chuyên môn của mình.  Tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, ba thành tố cơ bản có quan hệ mật thiết với nhau trong quá trình mở rộng quyền tự chủ đại học toàn diện: đó là tự chủ về tổ chức và quản lý, tự chủ về tài chính, tự chủ về học thuật. Trong đó, tự chủ về tài chính đóng vai trò nòng cốt vì nó đảm bảo cho các cơ sở giáo dục đại học trang trải các chi phí về nhân sự, học thuật và từ đó mới có thể nâng cao chất lượng học thuật và cạnh tranh thu hút giảng viên có trình độ cao. Cần trao quyền tự chủ tài chính toàn diện cho các cơ sở giáo dục đại học từ khâu thu cho đến khâu chi, từ việc quản trị các nguồn tài chính theo mô hình doanh nghiệp cho đến việc kinh doanh các nguồn lực tài chính để huy động và phát triển hiệu quả các nguồn thu và tài sản phục vụ cho các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu theo hướng đổi mới và hội nhập quốc tế.

Để phát huy được quyền tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng được năng lực cần thiết. Đó là năng lực lãnh đạo của Đảng ủy, năng lực quản trị của Hội đồng trường, năng lực quản lí của ban giám hiệu, năng lực tổ chức thực hiện của các phòng, ban, khoa, theo hướng phát huy đầy đủ quyền tự chủ theo quy định.

Thứ tư, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học

Việc đổi mới cơ chế quản lí các cơ sở giáo dục đại học nhằm tăng cường tự chủ đại học, theo đó, buộc các trường cần phải chuyển mình, thay đổi tư duy từ thụ động theo quy định sang chủ động xây dựng hệ thống thông tin minh bạch hóa cùng với những nội dung cam kết giải trình đối với sản phẩm đầu ra. Các cơ sở giáo dục đại học cần chủ động thực hiện công khai thông tin về các hoạt động của trường, đặc biệt nhấn mạnh các tiêu chí liên quan đến đánh giá xếp hạng các trường đại học khu vực cũng như thế giới.

Chủ động xây dựng các chỉ tiêu cần cam kết với các đối tượng: (1) Người học; (2) Viên chức, giảng viên; (3) Người sử dụng lao động; (4) Cơ quan quản lý. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện các cam kết đó một cách minh bạch, công khai. Các nội dung công khai cần hướng tới gồm: Công tác nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh công bố quốc tế cũng như tăng cường nghiên cứu ứng dụng; Khuyến khích các nhà khoa học tìm kiếm cơ hội nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế nhằm xây dựng năng lực và uy tín của trường; Tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm sau một năm và nhiều năm ra trường… Qua đó, tạo điều kiện cho người học tìm hiểu về định hướng đầu ra sau khi học tập tại trường.

Về phía nhà trường, cùng với việc phát huy quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình là một giải pháp quan trọng để nâng cao vị thế nhà trường trước nhà nước và xã hội. Việc giải trình này được gắn kết với các kết quả kiểm định chất lượng và kiểm toán tài chính để đảm bảo độ tin cậy trong giải trình. Nó cũng phải được xây dựng trên cơ sở phát triển hệ thống thông tin quản lí giáo dục đại học để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong giải trình. Đó là các nhiệm vụ bắt buộc để không chỉ bảo đảm niềm tin của nhà nước và xã hội đối với nhà trường, mà còn để tạo dựng môi trường thông tin thuận lợi trong việc gắn kết cung với cầu trong đào tạo.

Thứ năm, cần gắn kết chặt chẽ và xây dựng quan hệ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động có liên quan đến cơ sở giáo dục đại học. 

Thực chất của giải pháp này là xây dựng quan hệ phối hợp mới: Đó là quan hệ trong nội bộ nhà trường, quan hệ với cơ quan quản lí và quan hệ với môi trường xã hội xung quanh.

Trong nhà trường hình thành một quan hệ nội bộ mới. Đó là quan hệ giữa hội đồng trường và Ban giám hiệu dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng ủy, trong đó, hội đồng trường là một thực thể có quyền lực cao nhất trong định hướng phát triển và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, còn bộ máy của hiệu trưởng có nhiệm vụ tổ chức thực hiện và giải trình việc thực hiện nhiệm vụ.

Giữa nhà trường và cơ quan quản lí hình thành quan hệ phối hợp mới. Theo đó, về mặt pháp lý, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định về pháp luật đối với các hoạt động giáo dục đại học trong điều kiện hội nhập quốc tế. Các cơ quan quản lí nhà nước, trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thay đổi cách tư duy về quản lí đối với các hoạt động giáo dục đại học trong điều kiện hội nhập quốc tế. Thay vì trực tiếp quản lí toàn diện đối với các cơ sở giáo dục đại học, các cơ quan quản lí nhà nước chỉ nên đóng vai trò là cơ quan “tài phán”, định hướng các hoạt động theo luật pháp, đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học được độc lập, tự chủ hơn trong các hoạt động. Cần tránh tư duy quản lí theo cách áp đặt, hoặc “bao cấp” đối với các hoạt động giáo dục đại học trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.

Giữa nhà trường và môi trường xã hội xung quanh hình thành các liên kết mới. Đó là mối liên kết bền vững và có hiệu quả giữa nhà trường với các cơ sở tuyển dụng lao động, doanh nghiệp, viện nghiên cứu khoa học, các cơ sở đào tạo khác theo định hướng phát triển các năng lực kỹ thuật và hành vi phù hợp với công việc thông qua một hệ thống được kết nối tốt hơn.

Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học với các đơn vị sử dụng lao động. Việc liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp nói riêng và các đơn vị sử dụng lao động nói chung cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận và áp dụng kiến thức lí luận cơ sở vào thực tiễn của sinh viên.

Trong thời đại ngày nay, khi nhân loại đang bước vào nền kinh tế tri thức và khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, giáo dục và đào tạo có vai trò và vị trí quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Vì vậy, nếu muốn đưa nền giáo dục đại học Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, đáp ứng được yêu cầu toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta phải nhanh chóng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đổi mới công tác quản trị nhà trường.

Tài liệu tham khảo

Ban Chấp hành Trung ương Đảng. (2014). Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2022a). Báo cáo Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 khối Giáo dục đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2022b). Báo cáo tổng kết Hội nghị tự chủ đại học năm 2022.

Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2022c). Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014 - 2017.

Chính phủ. (2015). Nghị định số 16 2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cục Quản lí chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2022). Thông báo danh sách các cơ sở giáo dục đại học; các trường cao đẳng, trung cấp sư phạm đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được kiểm định. Dữ liệu cập nhật đến ngày 28/2/2022.

Đảng cộng sản Việt Nam. (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, II, NXB. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

Quốc hội khóa XIV: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (2020), Hội thảo Giáo dục Việt Nam: “Tự chủ trong giáo dục đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”.

Trường Đại học Thượng mại. (2022). Hội thảo Khoa học quốc tế: “Chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”. NXB. Hà Nội.

Quốc hội. (2012). Luật Giáo dục Đại học, Luật số 08/2012/QH13, ngày 18/6/2012.

Quốc hội. (2018). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, Luật số 34/2018/QH14, ngày 19/11/2018.

Quốc hội. (2019). Luật Giáo dục, Luật số 43/2019/QH14, ngày 14/6/2019.

 

[1] Trích Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2012

[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2022), Báo cáo Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.

[3] Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo danh sách các cơ sở giáo dục đại học; các trường cao đẳng, trung cấp sư phạm đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được kiểm định. Dữ liệu cập nhật đến ngày 28/2/2022.

[4] Tổ chức Times Higher Education công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới 2023 (THE WUR 2023)

[5] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2022), Báo cáo Tổng kết Hội nghị tự chủ đại học năm 2022.

[7] Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014 - 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

[8] Đảng cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quóc gia sự thật, Hà Nội, tr 234.

[9] Trích Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phần III, Nhiệm vụ, giải pháp.

[10] Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014 - 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

[11] Trích Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Tác giả bài viết: Vũ Trà Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay180
  • Tháng hiện tại3,274
  • Tổng lượt truy cập500,056